hoc tieng phap

hoc tieng phap

Về việc ra đề thi cuối kỳ và cách đánh giá kiểm tra ở khoa Toán



Bài viết định dành để phát biểu, nhưng cuối cùng thì nhiều việc xảy ra nên cuộc họp phải dời ngày, và đúng vào lúc mình vẫn đang đi công tác ở tỉnh khác. Nhưng điều đó chẳng có vấn đề gì, bởi vì chưa phát biểu thì lúc khác phát biểu, ở VN thì thời gian như là ngừng trôi ý mà :D 

VỀ VIỆC RA ĐỀ THI CUỐI KỲ VÀ CÁCH ĐÁNH GIÁ KIỂM TRA Ở KHOA TOÁN

Trần Đức Anh

Nhân cuộc họp tổng kết cuối năm học 2013-2014 của khoa Toán-Tin chúng ta, em muốn trình bày ý kiến cá nhân của bản thân về việc ra đề thi cuối kỳ ở khoa, và mong muốn có một sự thống nhất trong việc ra đề thi cũng như cách thức đánh giá sinh viên. Những gì em trình bày ở đây là những kinh nghiệm trong việc giảng dạy và việc trông thi của bản thân, của đồng nghiệp, sự tiếp nhận những phản hồi của sinh viên (thường là thông qua các trang mạng xã hội) và cũng căn cứ vào thực tế hiện tại của việc tuyển dụng giáo viên.

Một vài luận điểm  của em cùng với một số vấn đề về việc đề thi cuối kỳ cũng như đánh giá kiểm tra.

>> Xem thêm: Bốn phương pháp học tiếng Pháp cho người mới bắt đầu

Thứ nhất, việc thi cử, cách ra đề thi và cách đánh giá sẽ quyết định việc học của người học.Ví dụ: nếu đề thi cuối kỳ gồm những bài học toán lắt léo đòi hỏi sự học tủ, ai học trúng tủ thì làm được bài, ai học chệch tủ thì không làm được, thì nó sẽ dẫn tới thái độ học tập máy móc, học thuộc và học tủ là chính, chứ không khuyến khích việc học sáng tạo. Nếu đề thi là đề trắc nghiệm, thì việc học của sinh viên tương đối hời hợt, vì đề trắc nghiệm đã có sẵn câu trả lời, và việc còn lại của người thi là chọn ra câu trả lời đúng. Như vậy dạng thi kiểu này đã cung cấp sẵn câu trả lời cho thí sinh, nên không khuyến khích cách suy nghĩ sâu sắc, và hệ quả là sinh viên khi trả qua môn thi trắc nghiệm sẽ không học, hoặc chỉ học đại khái qua loa. Ngoài ra, từ kinh nghiệm trông thi, việc trao đổi kết quả trong môn thi trắc nghiệm rất dễ xảy ra do vài yếu tố: thứ nhất, số lượng mã đề ít; thứ hai, thí sinh thường xuyên làm xong sớm và còn rất nhiều thời gian để ngồi chơi. Thế nên việc trao đổi là rất dễ xảy ra, khiến việc đánh giá kiểm tra sẽ trở nên thiếu khách quan. 


Cũng có thầy cô ủng hộ việc thi đề mở, tức là được sử dụng tài liệu thoải mái. Tuy nhiên, việc này theo cá nhân em, vẫn cần phải có lý luận chặt chẽ, chứ không nên áp dụng bừa. Cần phải có quy định rõ về tài liệu được sử dụng, vì các môn toán ở bậc cử nhân đại học đã có rất nhiều tài liệu viết chi tiết về tất cả các kiến thức. Vậy khi ta ra đề mở, thì căn cứ vào đâu ta chứng minh được những gì diễn ra trên bài thi là phản ánh của năng lực người học, chứ không phải là năng lực tra cứu tài liệu?

Một so sánh: ở Pháp, ví dụ trường Toulouse, sinh viên ở trình độ cử nhân năm thứ nhất tới cao học năm thứ nhất (ở Pháp chỉ có 3 năm cử nhân + 2 năm cao học) khi thi không được sử dụng tài liệu. Đến cao học năm thứ hai thì được sử dụng tài liệu, nhưng cũng tùy môn học, thường phải là môn chuyên sâu. Lý do môn chuyên sâu cũng có thể đoán được là nguồn tài liệu không phải là nhiều, và cũng chắc không có sách giải bài tập, như là các môn toán trình độ cử nhân.

Ngoài ra, một ưu điểm của việc thi không sử dụng tài liệu đó chính là kiểm tra khả năng phản ứng của thí sinh, và khả năng thực hành kiến thức. Đó là kỹ năng hay gặp đối với một giáo viên bình thường. Ví dụ: khi sinh viên hỏi giáo viên, thì đó là tình huống cần phải vận dụng kiến thức có ngay. Thế nên, việc thi không mở tài liệu cũng có những ưu điểm hết sức thiết thực.

Nếu dựa theo lý luận này, thì ta thấy nên tránh ra những đề thi gồm các bài tập có sẵn trong các cuốn sách và nhất là những bài lắt léo. Cũng không nên ra bài tập đã dạy rồi, và coi nó như bài gỡ điểm. Cũng không nên cho những bài như phát biểu và chứng minh lại kết quả, vì nó chỉ đòi hỏi việc học vẹt, không có lợi ích gì cho việc phát triển tư duy của người học. Đấy là chưa kể những sự phát sinh các thứ tính cách hay tâm lý không tốt ở người học như: ghen tị với bạn bè vì bạn thì trúng tủ, còn mình thì lệch tủ; ức chế với đề thi và từ đó nảy sinh suy nghĩ không tốt với giáo viên. Nếu tính tới cả chuyện này, thì cách ra đề thi cũ thật sự là rất có vấn đề.

Thứ hai, điểm số có thể quyết định việc tuyển dụng của sinh viên sau khi ra trường, và vì thế cần một cách tính điểm phù hợp với tình hình hiện tại. Hiện nay, sinh viên đi xin việc ở bất kỳ trường nào thì điều đầu tiên họ luôn gặp phải chính là loại bằng. Tức tóm lại là điểm phẩy tổng kết. Là giáo viên, chúng ta biết rõ là sinh viên 7,8 và 8,0 thì có gì khác nhau đâu?  Nhưng nó quyết định số phận khác nhau. Tức là điểm số có thể ảnh hưởng tới số phận của sinh viên trong con đường sự nghiệp sau này. Vậy nó thực sự quan trọng và xứng đáng để suy xét.

Bấy lâu nay ta vẫn cho đề thi gồm 10 điểm, chia làm vài bài, mỗi bài có một số điểm nhất định và tính tổng lại bằng 10. Mà trong số đó, thường là có vài bài đã có sẵn trong giáo trình hoặc sách bài tập, và thường nó cũng đủ lắt léo, để hễ sinh viên không nhớ cái chi tiết lắt léo của lời giải thì coi như mất luôn một vài điểm số. Điều đấy giải thích vì sao điểm tổng kết toán của nhiều sinh viên là rất thấp.

Nên chăng ta học tập cách tính điểm như ở Pháp. Sinh viên làm đề thi với tổng điểm là 20 hoặc 30 hoặc 40, tùy. Đề thi dài thoải mái. Sinh viên thi xong, và được chấm điểm. Giáo viên sẽ đổi lại điểm, khi đó người cao nhất sẽ được điểm cao nhất, tùy theo quan điểm giáo viên đó thì cho họ 10 điểm tuyệt đối, rồi từ người cao nhất này, sẽ được coi như mốc điểm để tính điểm những người còn lại. Cách làm này có cái ưu điểm là sinh viên phải dốc hết sức ra làm bài, và khi đổi điểm lại, thứ tự được bảo toàn, thế nên không nảy sinh sự đố kỵ. Mấu chốt còn lại là thiết kế đề thi sao cho việc học tủ là khó xảy ra.

>>Xem thêm: Du học Pháp và học tiếng Pháp

Thứ ba, nguồn đề thi ngày càng bị lặp. Một sinh viên gửi cho em một đám file các đề thi cuối kỳ của các năm, và khẳng định là đề thi bị lặp thường xuyên, tới nỗi là để đoán đề thi một năm, thì ta nhìn ngược lại hai khóa. Điều đó phản ánh là nguồn đề thi của các giáo viên chúng ta đã cạn, và ta lấy lại các bài cũ đã từng đăng ở trong đề thi năm trước. Điều đó càng khuyến khích cái thói học tủ.

Thứ tư, cần phải thừa nhận thực trạng năng lực học của sinh viên bây giờ thua ngày xưa, và nhiệm vụ của chúng ta là nên tìm ra một giải pháp, hơn là trách móc, quát mắng và trừng phạt người học. Chuyện sinh viên toán sư phạm ngày càng kém đi không phải là điều gì mới lạ. Điều đó cũng xảy ra ở các nước tiên tiến như Pháp, sinh viên của họ nhiều khi còn viết sai chính tả, sai ngữ pháp, câu cú lủng củng. Thế nên ta chớ nên vội kết tội sinh viên bây giờ kém đi là tội của họ, mà có thể có những nguyên nhân khác sâu sắc hơn.  Tóm lại là ta nên tìm một giải pháp, làm sao để kích thích cái sự học của người học.

Thứ năm, đề thi cuối kỳ nhiều đề chưa có tính phân loại người học. Có những đề thi đánh trượt tới hơn 1/2 số sinh viên của khoa Toán với điểm số toàn 0,1,2. Hoặc có những đề thi thì hầu hết toàn 4,5,6 điểm. Ở đây, em chưa cắt nghĩa được ngay chuyện này, nhưng em xin lấy một ví dụ một bài tập trong đề thi hình học affine-euclide (của tổ Hình học, em lấy ví dụ này để tránh việc mọi người nghĩ em động chạm cá nhân, mà việc em đề xuất ở đây là mang tính chất việc chung): chứng minh một ánh xạ bảo toàn tích vô hướng là ánh xạ tuyến tính. Đề bài chỉ ngắn gọn như vậy. Theo em, sinh viên mà nghĩ ra được cái bắt đầu để giải bài toán này phải là sinh viên khá. Tìm một manh mối cho một câu hỏi không phải là điều đơn giản, nó đòi hỏi người trả lời phải huy động kiến thức vốn có của họ, kết hợp với một sự nhạy bén toán học nhất định. Vậy thì điều đó có thể xảy ra với nhiều sinh viên Toán sư phạm được không? Em nghĩ là không, vì có thể thấy là nhiều sinh viên toán của chúng ta học ở trường phổ thông đại trà, chứ không phải là chuyên chọn. Vậy một bài tập như vậy sẽ gây nản lỏng đối với các bạn sinh viên trung bình, và tước của họ nhiều điểm số. Từ đó cũng tước dần của họ cái động lực học tập. Điều đó là hết sức đáng tiếc, bởi vì chúng ta có lẽ đồng tình rằng: ranh giới giữa trung bình hay khá là mong manh, và nhiều khi quyết định bởi việc ai được động viên khuyến khích nhiều hơn.

Thứ sáu, một số đề thi không ghi thành phần điểm trong đề thi. Một đồng nghiệp nói với em là thang điểm cho sau, dựa trên tình hình làm bài của sinh viên. Nhưng việc dựa trên tình hình làm bài của sinh viên đòi hỏi người chấm phải xem hết tất cả các bài, và sau đó mới tiến hành lên thang điểm và chấm bài. Chỉ cần nghĩ tới đó đã thấy việc đó là không hợp lý. Hai nữa, lên thang điểm sau sẽ gây thiệt thòi cho một số sinh viên.

Tóm lại là ta nên ghi điểm vào từng bài thi, để sinh viên làm động tác lựa chọn câu hỏi và ưu tiên thứ tự giải quyết các câu hỏi. Như vậy thí sinh sẽ có tinh thần chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân. Chứ nếu ta làm theo kiểu như em vừa nêu, thì thí sinh cảm thấy oan ức và không có nhu cầu rèn luyện cái tính cách tốt đẹp này (tức sự trách nhiệm).

Thứ bảy, theo em nên bỏ ngay việc thi nâng điểm. Việc thi nâng điểm nảy sinh do điểm số của sinh viên quá thấp. Họ phải thi nâng điểm để vớt vát hi vọng xin việc. Tuy nhiên, thi nâng điểm sẽ gây ra tình trạng bất công giữa các người học, và từ đó ta tạo điều kiện cho sự đố kỵ giữa các sinh viên với nhau.

Vì sao bất công? Điểm thi nâng điểm có được là do người học này được thảnh thơi chọn thời điểm mà thi, nên họ có thời lượng học và ôn nhiều hơn hẳn so với người thi lần đầu. Họ cũng có thể dự đoán được quy luật ra đề thi, sau một thời gian tích lũy đề thi, hoặc đơn giản là sau lần thi đầu tiên nên có kinh nghiệm hơn. Vậy nên điểm thi này không có tính chất giống với điểm thi ban đầu, cũng như điểm thi lại (vì thi lại diễn ra gần như ngay sau thi lần một).

Điểm thi ban đầu thể hiện một sự công bằng nhất định: sinh viên cùng học như nhau, cùng ôn thi với thời gian như nhau và cùng đi thi, nên dù điểm số thế nào thì thứ tự điểm thi cũng phản ánh một điều gì đó chính xác. Còn điểm thi nâng điểm, nó hoàn toàn có tính chất khác.

Vậy nên hoặc ta bỏ thi nâng điểm để đảm bảo tính công bằng giữa các sinh viên, hoặc việc thi nâng điểm sẽ được thi riêng, để giáo viên đánh giá được cái sự học của sinh viên đó, qua một thời gian dài “vô biên” như vậy, họ đã học được gì hơn hẳn những sinh viên khác học trong thời gian ngắn ngủi hơn nhiều?

Với các thực trạng đã nêu, và các lý luận đã nêu, ta nên tìm kiếm một cách thức ra đề thi vừa giải quyết các vấn đề đã nêu, nhưng cũng phải phù hợp với sức lực của giáo viên đang có (lương thấp, ít thời gian đầu tư sáng tạo) và phù hợp với quy định về việc ra đề thi. Em đề xuất như sau:

-         đề thi nên ở dạng đề thi dẫn dắt. Dẫn dắt nghĩa là ta có một bài tập không hoàn toàn dễ, và ta chia nó thành nhiều câu hỏi dẫn dắt người thi đến việc giải quyết bài tập đó. Ta có dung hòa với cách làm cũ bằng cách: ta có thể quy ước trước (tức thông báo trước cho tất cả biết), một nửa đề thi gồm những bài tập rất dễ với dạng nằm trong phạm vi cụ thể. Một nửa gồm các bài khó hơn nhưng được viết dưới dạng dẫn dắt.

Một số thầy cô không đồng tình ở việc đề thi không nên thông báo dạng cho trước, vì … ngày xưa vẫn thế. Em nghĩ lý luận như vậy chưa thuyết phục. Theo em, đề thi dù có biết trước dạng, thì cũng không có gì là tiêu cực. Thứ nhất, người học khi làm được bài, chứng tỏ là họ có học bài, còn hơn là đề thi ra rồi, cuối cùng không làm được vì … không nhớ ra hoặc do lệch tủ, thì ta đâu thể nào phân biệt được người học nào là hiểu bài, người nào là không hiểu bài. Khi bài tập đã biết trước dạng rồi thì việc làm được cho thấy là họ hiểu bài, không làm được là không hiểu bài. Điều đó rất rõ ràng, cung cấp cho ta thông tin chính xác hơn về thực lực của sinh viên.
-         Đề thi dẫn dắt giúp giải quyết tình trạng nguồn đề thi, mà hiện nay đang có dấu hiệu cạn và lặp lại. Cách ra một bài thi dẫn dắt không khó: ta kiếm một bài tập hoặc một định lý không dễ chứng minh, ta tự giải quyết bài tập đó, và thông qua việc tự giải quyết đó, ta viết thành các câu dẫn dắt.

Việc làm này là một sự sáng tạo của giáo viên, và chắc là nó sẽ gây sự thú vị đối với giáo viên. Qua đó, người học sẽ học cách tự sáng tạo, mà bỏ dần đi cái thói a-dua, thiếu chính kiến. Vậy thì ta nên khuyến khích cách ra đề này đúng không?
-         Có ghi điểm số chi tiết ở từng câu để người thi tự quyết định thứ tự ưu tiên khi làm bài. Sự chi tiết của điểm số không cần thiết tới ý nhỏ của một bài tập, việc ý thì tùy mỗi giáo viên.

Một ưu điểm nữa về mặt tâm lý của đề thi được đề xuất ở trên: đó là có những bài tập và câu hỏi nằm trong tầm tay của nhiều sinh viên, và điều đó khiến họ cảm thấy mục tiêu thi cuối kỳ là có thể với được. Khi đó, ở họ sẽ nảy sinh nhu cầu học tập và động lực cố gắng.

Có thể các thầy cô và anh chị em đồng nghiệp không đồng tình với những gì em trình bày, em mong muốn là các thầy cô và ACE trao đổi với em, ví dụ thông qua hòm thư ducanh@hnue.edu.vn.

Em xin cảm ơn.

No comments

Powered by Blogger.