hoc tieng phap

hoc tieng phap

Về việc Thụy Khuê dịch “Revendications du peuple annamite” thành “thỉnh nguyện thư của dân tộc An-nam”



Về việc Thụy Khuê dịch “Revendications du peuple annamite”
thành “thỉnh nguyện thư của dân tộc An-nam”

Admin
Tháng 8/2014

Một lần vì một lý do nào đó, tôi muốn tìm bản gốc tiếng Pháp của bản « Yêu sách của nhân dân An-nam » do Nguyễn Ái Quốc viết và gửi tới Hội nghị hòa bình Versailles 1919. Theo lẽ bình thường thì tôi dùng google và tìm trên wikipedia để tìm manh mối tới bản nguyên văn tiếng Pháp. Tôi thấy có một tiêu đề nghe lạ hoắc so với những cái tôi đã từng biết hoặc từng học ở phổ thông : bản yêu sách của nhân dân An-nam còn được gọi là « thỉnh nguyện thư của dân tộc An-nam ». Tôi không thấy cái tiêu đề sau quen thuộc một chút nào, mà chưa kể hàm ý có vẻ yếu đuối, nó không giống với văn phong của Nguyễn Ái Quốc mà tôi từng biết và của Hồ Chí Minh sau này.
            Dựa theo thông tin có trong trang thì tôi tìm được tác giả dịch như thế là Thụy Khuê. Nhờ việc tìm hiểu này tôi cũng biết là bút danh Nguyễn Ái Quốc của bản yêu sách này là của ba người : Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành. Ở đây ta không bàn về nội dung, và các vấn đề liên quan vội, mà ta sẽ bàn về cái cách dịch tiêu đề như trên của Thụy Khuê.

>> xem thêm: Du học Pháp và học tiếng Pháp

           Theo như cách dịch, ta có thể nói là Thụy Khuê dùng từ « thỉnh nguyện thư » thay cho từ « revendications » . Như vậy ta sẽ tra nghĩa và phân tích nghĩa của từ revendications trong cả từ điển Pháp Việt và từ điển Pháp-Pháp, và tra nghĩa của từ « thỉnh nguyện thư » .
    
       
1. Revendication (đây là danh từ số ít của « revendications »).

Theo từ điển Pháp-Pháp-Việt của Lê Phương Thanh & Nhóm cộng tác, NXB Hồng Đức 2008, revendication được giải nghĩa là : action de revendiquer, ce qu’on revendique = sự đòi, sự yêu sách ; điều đòi hỏi, điều yêu sách.

Ở đây từ revendiquer là động từ, nghĩa là : réclamer ce que  l’on considère comme son droit, son bien, so dû = đòi cái người ta thấy có quyền, đòi của cái, đòi cái được hưởng ; nghĩa thứ hai là assumer = nhận lấy, ví dụ revendiquer une responsabilité = nhận lấy trách nhiệm.

Trong cuốn từ điển Pháp-Pháp-Việt của « Ban biên soạn chuyên từ điển : New Era » của NXB từ điển bách khoa, một cuốn từ điển tương đối dày, giải nghĩa như trên cũng được ghi nhận.

Theo từ điển Larousse Expression bản điện tử, từ revendication được giải nghĩa như sau :
  • Action de revendiquer, de réclamer ce qui est dû, l'exercice d'un droit, etc.
    (hành động đòi cái gì đó mà vốn thuộc về người đòi, đòi thực hiện một quyền v.v.)
  • Action en justice d'une personne qui réclame la restitution d'un bien dont elle est légalement propriétaire.
    (hành động ở Tòa án của một người đòi sự khôi phục, sự trả lại một của cải mà người đó là chủ nhân hợp pháp).

Và để cho thật hợp lý, ta nên tra thêm nghĩa của động từ revendiquer (sinh ra danh từ revendication). Cũng theo hai từ điển trên của Larousse, revendiquer được giải nghĩa như sau :
  • Réclamer ce à quoi on peut légitimement prétendre, en particulier un bien sur lequel on a un droit : Revendiquer sa part d'héritage.
  • Réclamer ce à quoi on estime avoir droit, notamment un avantage social : Revendiquer une réduction du temps de travail.
  • Exiger, réclamer avec force quelque chose comme un dû : Il revendique de se coucher plus tard que ses frères.
  • Demander à être reconnu comme l'auteur, le responsable d'un acte, d'un écrit : Un attentat qu'aucun groupement n'a revendiqué.
  • Déclarer qu'on entend assumer pleinement ce qu'on a fait, en accepter toutes les conséquences : Revendiquer la responsabilité d'une décision.
Nhìn qua các mục giải nghĩa, ta có thể tựu chung từ revendiquer là đòi cái gì đó mà vốn dĩ thuộc sở hữu của người đó một cách hợp pháp, hoặc đòi một quyền nào đó mà người đó có theo như pháp luật quy định. Các động từ được sử dụng trong mục giải nghĩa đều có sắc thái mạnh : réclamer,exiger = đòi hỏi, yêu cầu ; déclarer = tuyên bố, bày tỏ, cho biết . Riêng động từ demander có sắc thái trung lập nhưng đoạn sau lại giải thích đầy đủ quyền sở hữu hợp pháp.

2. Thỉnh nguyện. Chữ « thư » trong « thỉnh nguyện thư »  có thể là thư theo nghĩa thông thường, có thể là sách như “giáo khoa thư”. Nhưng dù là gì thì nó cũng là một tài liệu ghi lại sự « thỉnh nguyện » của dân tộc An-nam. Vậy nên ta tra nghĩa của từ « thỉnh nguyện » theo các từ điển có uy tín.

Theo Hán Việt từ điển giải yếu của Đào Duy Anh, NXB Văn hóa thông tin 2013, thỉnh nguyện nghĩa là người dưới bày tỏ nguyện vọng của mình với người trên, để xin người trên làm cho thỏa nguyện (émettre des voeux) . Cụm từ tiếng Pháp là nguyên văn trong từ điển, vì từ điển của Đào Duy Anh được viết từ rất lâu, trước cách mạng 1945.

Trong từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, NXB Đà Nẵng 2011 không ghi nhận từ này, nhưng nếu thông qua các từ được ghi nhận như thỉnh cầu, thỉnh giáo, thỉnh thị, thì ta thấy có nghĩa của người dưới xin cái gì đó của người trên.

Như vậy, với những gì được tra cứu thì thấy rằng từ « thỉnh nguyện » có nghĩa thống nhất là sự xin của người dưới với người trên, tức đã mô tả vị thế giữa hai bên, không có sự bình đẳng.

Thế còn từ yêu sách ?
3. Yêu sách.

Theo Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh : yêu sách nghĩa là xin đòi cho được (réclamer). Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê 2011, yêu sách nghĩa là  đòi hỏi một cách rất gắt gao, không nhân nhượng, vì tự cho là mình có quyền ; điều đòi hỏi về quyền lợi.

Khi nói là đòi cho được thì đó khó có thể chỉ đơn giản sự xin của người bên dưới với người bên trên, bởi người bên dưới với người bên trên thì việc xin cho giống kiểu ban phát, mà ban phát thì có được thực hiện hay không thì còn tùy vào người trên, người dưới làm gì có quyền mà thắc mắc. Với nghĩa trong từ điển của Hoàng Phê, sắc thái của từ được mô tả rõ hơn, đó là một sự đòi hỏi gay gắt, chứ không phải chỉ đơn giản là một sự xin thông thường.

4. Kết luận.

Với tất cả những gì đã tra và so sánh, ta thấy « Bản yêu sách của nhân dân An-nam » là cách dịch đúng đắn, nó cho thấy sắc thái của bản yêu sách là mạnh mẽ, phù hợp với tính cách của Nguyễn Ái Quốc nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung. Thứ hai, nó đã nói lên rằng : Pháp và Việt Nam là hai quốc gia bình đẳng, không có « mẫu quốc » nào ở đây cả. Tất nhiên, trong tình thế lúc đó Pháp là nước bảo hộ do những sai lầm của triều phong kiến để lại thì người dân Việt Nam phải chịu đựng, nhưng trong tâm trí người VN, cái sự hèn kém chấp nhận « mẫu quốc » là không tồn tại. Điều đó sẽ được ghi nhận bởi lịch sử.

Vậy tại sao Thụy Khuê lại dịch là « thỉnh nguyện » ? Phải chăng Thụy Khuê kém tiếng Pháp ? Khả năng kém tiếng Pháp thì rất khó xảy ra vì đây là một người sinh sống ở Pháp. Khả năng dùng từ tiếng Việt không tốt cũng khó xảy ra bởi đây là một người có nhiều bài tiểu luận phê bình văn chương.

Vậy thật ra mục đích của Thụy Khuê là gì ? Qua các bài bào trên RFI, một trang chống cộng điên cuồng, ví dụ bài này, và ngoài ra Thụy Khuê là tác giả của một cuốn sách về Nhân Văn Giai Phẩm dày hơn 1000 trang, ta có thể đoán được mục đích chính của Thụy Khuê là tìm cách hạ thấp Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, tìm cách bôi xâu Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng tác giả đã để suy nghĩ đó hiện ra một cách quá lộ liễu, tới mức vì hằn thù với chế độ cộng sản hiện thời, tác giả đã bỏ qua sự khách quan của ngôn ngữ, lẽ ra phải dịch đúng là yêu sách của nhân dân An-nam, tác giả muốn dịch khác để gài vào đó cho rằng Nguyễn Ái Quốc là kẻ thấp kém, suy nghĩ rất nhỏ bé về dân tộc Việt Nam, qua đó ngụ ý nói rằng Nguyễn Ái Quốc đâu có xứng đáng là lãnh tụ của Nhân dân Việt Nam.
Quả là ý đồ thâm hiểm ! Nhưng với cách dụng ngôn như trên, Thụy Khuê tỏ ra là kẻ chống cộng cực đoan nhưng không khôn khéo, vậy nên khó có thể qua mắt được những người Việt Nam được học hành tử tế.

No comments

Powered by Blogger.